0967.001.001 info@goldlandvietnam.com

Tin tức - 18/04/2022

Hội nghị về hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sáng ngày 31/3/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị chuyên đề về hoạt động của các Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo, hiện trên địa bàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố với tổng nguồn vốn đạt 7.390 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động đạt 6.327 tỷ đồng chiếm 85,6% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ cho vay của các QTDND đạt 5.428 tỷ đồng; nợ xấu 84 tỷ đồng chiếm 1,5%/tổng dư nợ cho vay (tính cả 2 QTDND đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt là Hoằng Trinh và Hoằng Đồng).

Đồng chí Tống Văn Ánh – Giám đốc NHNN Chi nhánh Thanh Hóa báo cáo tại hội nghị.

Sự chủ động phối hợp tốt của NHNN Thanh Hóa với các sở, ban, ngành đã góp phần xử lý, củng cố, chấn chỉnh hoạt động các QTDND có tiềm ẩn rủi ro cao, bảo an toàn hệ thống, an ninh trật tự tại cơ sở, góp phần ổn định nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển an sinh xã hội, kinh tế tập thể.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Với kết quả đạt được hoạt động của hệ thống QTDND thời gian quan đã từng bước khẳng định vai trò vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân” là kênh dẫn vốn hiệu quả, đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững. Hoạt động của các QTDND đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, hạn chế nạn cho vay nặng lãi.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những tồn tại, khó khăn, vướng mắc mà QTDND đang gặp và kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số quy định pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ.

Đại điện phía NHNN phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Thi- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng quan điểm: Mục tiêu hoạt động chủ yếu của hệ thống QTDND là tương trợ nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống các thành viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Phần lớn các QTDND tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoạt động hiệu quả, bảo đảm chất lượng tín dụng theo yêu cầu, phát huy được vai trò, sứ mệnh tạo ra sự thịnh vượng cho cộng đồng thông qua nguồn vốn cho vay phục vụ các thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Các đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới: Hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh cần chủ động, nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị, quan tâm công tác phát triển thành viên; xây dựng đồng bộ các giải pháp tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đổi mới tác phong giao dịch, giải quyết nhanh các thủ tục vay vốn; tăng cường công tác huy động vốn, khai thác tối đa vốn nhàn rỗi trong công đồng dân cư; tập trung cho vay thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm chất lượng và hiệu quả vốn vay; đồng thời ưu tiên các nguồn lực để làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ.

Đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định thêm: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương và Liên minh HTX tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHNN Thanh Hóa để triển khai thực hiện tốt Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục chỉ đạo cac địa phương chủ động phối hợp với NHNN Thanh Hóa đẩy nhanh hoạt động cơ cấu lại hệ thống các QTDND tại địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhân sự; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho các QTDND; ngăn ngừa và đấu tranh với các thông tin sai lệch, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống. Đồng thời kiến nghị NHNN Việt Nam tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với hoạt động thực tế của hệ thống QTDND hiện nay; có các giải pháp hỗ trợ thiết thực để bảo đảm ổn định cho hệ thống QTDND.

 

Bài viết liên quan